Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng: “Tuổi thanh xuân là lứa tuổi nhặt nhạnh những khát khao, thanh xuân là bạn hữu, là ngày tháng các bạn như những đứa trẻ dại, các buổi tới trường hay tan trường với rộn ràng câu hát, lời ca, cười vang cả một góc sân trường, là cây bút, là cuốn sổ lưu bút các năm cuối cấp, là cây bàng vội thay lá mới, là cây phượng đỏ thắm,… Thanh xuân là lũ bạn khi nhìn tôi vấp té chúng cười toét mồm, là lúc nhắc bài trong lớp mỗi khi bị kêu trả bài, là sự gián trá khi bao biện lỗi cho nhau,...”.
Mỗi khi nhớ lại tuổi thanh xuân, cảm xúc trong tim lại dâng trào. Tôi nhớ chúng, nhớ đến nao lòng. Thanh xuân không chỉ là những năm tháng của tuổi mười chín, đôi mươi mà còn là một bầu trời ký ức về một thời rực cháy của ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê.
Trong màu xanh yên bình của Tổ quốc hôm nay có màu xanh của tuổi trẻ, của biết bao thế hệ đã cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, trên khắp mọi miền đất nước. Họ xông pha nơi chiến trường ác liệt hay mở đường cho xe ra tiền tuyến. Dù phải hy sinh một phần thân thể hay mãi mãi nằm xuống nơi đất mẹ quê hương nhưng những ngọn lửa thanh xuân ấy vẫn hừng hực cháy, ngời sáng vẻ đẹp của tâm hồn, tình yêu và ước mơ như những ai đó đã từng nói:
Tuổi thanh xuân anh mang màu áo lính
Khoác trên mình cả Tổ quốc thân yêu
Gió xuân sang từng cơn gió lạnh
Thấm vào từng kẽ tóc làn da
Nhưng tâm hồn anh luôn lộng gió
Chẳng phai nhòa nhiệt huyết tuổi thanh xuân
Có một tác phẩm văn học mà nội dung của nó chính là những dòng nhật ký của một người lính trẻ. Qua những dòng nhật ký ấy, ta thấy một tâm hồn dung cảm trước thiên nhiên, một tình yêu quê hương tha thiết. Những dòng văn đẹp lấp lánh làm sáng bừng lên ý trí và nghị lực, thắp sáng ý tưởng thế hệ thanh niên lúc bấy giờ, tiêu biểu là chàng trai Hà Nội tuổi đời mới tròn đôi mươi đã gác lại giấc mơ giảng đường, lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Anh đã nằm xuống và để lại ngọn lửa đam mê “ Mãi mãi tuổi hai mươi” soi sáng cho thế hệ trẻ ngày nay.
Tiếp nối chuỗi hoạt động “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, hoà trong không khí thiêng liêng hướng đến chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021). Thư viện trường THCS Mậu Lương trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em một tác phẩm văn học đặc biệt - cuốn nhật ký thời chiến của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả,ở mọi lứa tuổi. Cuốn sách: "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh niên ấn hành năm 2005. Cuốn sách gồm 321 trang trên khổ giấy 21cm.
Trên trang bìa là hình ảnh điển trai của tác giả liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc lúc anh đạt giải nhất thi học sinh giỏi môn Văn toàn miền Bắc, anh sinh ngày 14 tháng 10 năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội, hy sinh ngày 30 tháng 7 năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị, là con thứ 10 trong 14 anh em của một gia đình thợ thủ công. ... Nhà nghèo nên anh vừa đi học, vừa phải đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ nuôi sống gia đình. Bù lại, anh học rất giỏi. Suốt 10 năm học phổ thông, anh đều đạt loại A1 (giỏi toàn diện). Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa Đại học là khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang thời kỳ căng thẳng, ác liệt nhất. Ở Đại học, anh là sinh viên xuất sắc của khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh đã có thể chọn lựa một con đường khác hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, anh và cả thế hệ của anh trong những năm tháng ấy đã xếp lại chiếc áo sinh viên để khoác lên mình màu xanh áo lính. Không có sự lựa chọn nào cao cả hơn khi Tổ quốc lâm nguy, bởi “Cuộc đời đẹp nhất của thanh niên là trên trận tuyến đánh quân thù”. Với anh, một thanh niên tiêu biểu của thế hệ Hồ Chí Minh, yêu nước: “ Nước còn giặc ta còn đi đánh giặc, đánh đến cùng mới thôi”.
Những trang đầu của cuốn nhật ký được viết vào ngày 02 tháng 10 năm 1971 và dừng lại với những dòng cuối cùng viết ở Ngã ba Đồng Lộc vào ngày 03 tháng 6 năm 1972, sau đó người chiến sỹ Nguyễn Văn Thạc đã gửi cuốn nhật ký về cho anh trai mình để tiếp tục hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị cũng là nơi anh đã nằm lại trong đất mẹ yêu thương.
Cuốn nhật ký đã làm rung động hàng triệu con tim của bạn đọc bởi vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết, tình yêu quê hương đất nước nồng nàn của những chàng trai, cô gái xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Qua sự cảm nhận bình dị của tác giả trong suốt những chặng đường hành quân đã lột tả tương đối rõ nét cuộc sống của người lính trong thời kỳ chiến tranh hào hùng của dân tộc.
Các em học sinh thân mến, người con của Hà Nội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống tại mảnh đất Quảng Trị. Nhiều năm sau ngày chiến tranh khép lại, các bạn đang có trên tay mình những tâm tình của anh qua cuốn sổ nhật ký quân ngũ được anh ghi trong quãng thời gian huấn luyện tân binh. Từng trang nhật ký mở ra, người đọc như được thấy tái hiện ngay trước mắt mình là chiến trường khốc liệt, với những kỷ niệm vui buồn của cuộc đời người lính, với từng khoảnh khắc sinh tử khó phai mờ. Dưới cái nhìn tinh tế, giàu cảm xúc của người lính trẻ, bạn đọc sẽ cảm nhận được sâu sắc tình quân dân nồng ấm, anh bộ đội cụ Hồ luôn được nhân dân tin yêu; cảm nhận được tình đồng chí keo sơn, gắn bó của các chiến sĩ trên đường chiến đấu,...Bên cạnh những ký niệm ấm áp đó, người lính trẻ cũng thật đau đớn, chua xót khi phải chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh: " Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm", nhân dân nghèo đói; chứng kiến sự hi sinh, mất mát của đồng đội mình. Tất cả, đã để lại trong lòng người chiến sĩ trẻ những dấu ấn sâu đậm, để thôi thúc, để thổi bùng ý chí quyết tâm chiến đấu với kẻ thù xâm lược.
Mặc dù chỉ có mười tháng tuổi quân, nhưng dọc đường hành quân ra trận, khắc phục biết bao gian khổ, hi sinh, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Thạc vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình, vừa tích cực ghi chép những sự kiện, những cảm nghĩ về Đời, về Người trong những năm tháng hào hùng của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt tiến đến thắng lợi hoàn toàn. Và Anh đã hy sinh khi tuổi đời mới 20, ta vẫn nhớ mãi câu nói của Anh trước khi ra đi, Anh vẫn nói với đồng đội: “Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa…bao dự định còn dang dở”. Tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và những người cùng thế hệ các Anh mãi mãi là những chàng trai tuổi thanh xuân, họ là những tấm gương để các thế hệ noi theo, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta, các em đang ngồi trên ghế nhà trường, các em hãy phấn đấu hoàn thành những tâm nguyện, những dự định còn dang dở mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc chưa làm được. Anh và biết bao chiến sĩ đã ngã xuống là minh chứng cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, dân tộc Việt Nam anh hùng.
Từ bao đời nay, hình tượng anh bộ đội cụ Hồ luôn gần gũi, thân thương với mỗi chúng ta, luôn là một biểu tượng đẹp, đáng tự hào của người dân Việt Nam. Những hy sinh gian khổ mà họ trải qua trong chiến tranh; những ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm chiến thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội ta là dấu ấn sâu đậm, mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Ngày 22/12 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta thể hiện niềm tự hào và biết ơn sâu sắc những chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hướng tới kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, mỗi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hãy ra sức phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà thư viện trường THCS Mậu Lương muốn giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh. "Mãi mãi tuổi hai mươi" là cuốn sách rất hay và ý nghĩa mà thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay cần tìm đọc để tìm hiểu và suy ngẫm, thấy được trách nhiệm, vai trò của mình đối với đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Với những chia sẻ về Nội dung cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" trên đây thư viện nhà trường mong muốn được phục vụ quý thầy cô giáo và các em học sinh đón đọc tác phẩm văn học ý nghĩa này!
Hà Đông, ngày 16 tháng 12 năm 2021
Người giới thiệu
( Nhân viên thư viện)
Nguyễn Thúy Hạnh